Cá lăng, cá chiên đặc sản sông Đà lao dốc, giá cám leo cao, nông dân lao đao

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cá lồng của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hòa Bình khó tiêu thụ. Giá cá đặc sản lao dốc, giá thức ăn chăn nuôi leo cao, nông dân như chúng tôi đang lao đao.

Những năm qua, nhờ nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã mang lại thu nhập khá cho người dân ở xã Bình Thanh. Nhưng thời gian gần đây, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội khiến nhu cầu nông sản giảm mạnh, trong đó có cá đặc sản nuôi lồng trên sông Đà.



Bị dịch Covid-19 gây hại, những nông dân nuôi cá lồng bè bị "tăng xông" bởi giá thức ăn chăn nuôi. Giá cám cá cứ tăng chứ không giảm, khiến nhiều hộ chán nản, đành "tạm" bỏ lồng lên bờ đi làm thuê.

Giá thức ăn cho cá đã tăng "chóng mặt" từ 240.000 đồng/bao 25kg (năm 2020) lên 320.000 đồng/bao 25kg như hiện nay khiến nhiều hộ nuôi cá lồng kiệt quệ về vốn.

Giá cá vẫn đang ở mức thấp chưa từng thấy, loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên cũng không xuất bán đi đâu được do các nhà hàng, quán ăn đều phải đóng cửa.

Nhận định về tình hình sắp tới, nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 thì các hộ nuôi cá lồng của HTX và những hộ nuôi cá lồng khác sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để gỡ khó cho người nuôi cá lồng của HTX nói riêng và xã Bình Thanh nói chung, xin được có kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ, Ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất, vực dậy sản xuất sau dịch Covid-19 được vay vốn ưu đãi, trong đó có ưu đãi lãi xuất để khôi phục lại sản xuất sau 2 năm cầm cự với ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Cùng với đó, chính quyền, các ban, ngành địa phương cần có chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích các hộ nuôi cá lồng của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Bình Thanh cũng như toàn bộ các bộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Bình Thanh và Thung Nai phải liên kết sản xuất theo chuỗi, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cá lồng sông Đà.
Tags