Bí quyết nuôi cá lồng đạt chuẩn VietGAP

Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà được nhiều người lựa chọn để khởi nghiệp làm giàu, có không ít hộ gia đình đang duy trì mô hình kinh tế hiệu quả này.

Tuy nhiên, để có được tầm cỡ, quy mô bài bản như cơ ngơi nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Toản, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) tại xóm Tháu, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) thì chưa nhiều người làm được. Với tâm huyết của mình, chàng thanh niên sinh năm 1986 đang thành công với việc đưa sản phẩm cá lồng tiêu chuẩn VietGAP đến người tiêu dùng.



Từ năm 2010, anh Toản nuôi thí điểm 7-10 lồng cá giống, rồi san dần số lượng ra 14 - 28 lồng. Đến nay, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB của gia đình anh đã nhân rộng lên đến 170 lồng, chủ yếu là các loại cá: lăng, trắm đen, cá tầm... Được nuôi theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng nên sản phẩm của công ty được thị trường ưa chuộng.

Anh Toản chia sẻ: "Việc nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí hậu, nhất là về nguồn nước trong, sạch, hàm lượng oxy, PH trong nước đạt tiêu chuẩn. Nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài tác động nên cá tinh sạch, thịt cá thơm ngon, đặc biệt là không bị tồn dư kim loại trong cá. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên thương hiệu cá sông Đà của địa phương”.

Để đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, các giống cá được anh Toản chọn về từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 tại tỉnh Bắc Ninh mỗi lần khoảng 5 vạn con, ương trong ao từ 3 - 4 tháng, khi đạt mức 200 - 300 con/kg thả cá vào lồng. Cá nuôi trong lồng 1 năm, đạt từ 1 - 1,2 kg/con tiếp tục san số lượng ra 1.000 - 1.200 con/lồng. Lồng bé diện tích 36 m2, lồng to 48 m2, đều có độ sâu 3m. Vấn đề thức ăn cho cá được đáp ứng theo từng chu trình phát triển. Giai đoạn cá đạt từ 0,5 - 1 kg sử dụng cám, khi cá trên 1 kg sử dụng cá tép dầu tự nhiên được thu mua từ người dân đánh bắt làm thức ăn. Từ khi nuôi đến khi xuất bán thương phẩm khoảng 2 năm trở lên, cá đạt trên dưới 5 kg. Ngoài nguồn thức ăn chính, cá nuôi được bổ sung vitamin và khoáng chất, sử dụng tỏi xay trộn với cám cho cá ăn để tăng sức đề kháng.


Anh Nguyễn Văn Toản (bên phải) giám sát quy trình kỹ thuật trước khi xuất bán cá thương phẩm.

Chia sẻ về những lưu ý khi nuôi cá lồng, anh Toản cho biết: "Quá trình nuôi cá, tôi tuyệt đối không sử dụng các chất cấm được Nhà nước quy định và kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn giống ở những địa chỉ uy tín. Thức ăn cho cá phải đảm bảo về chất lượng, bảo quản tại nơi cao, khô ráo, thoáng mát để tránh ẩm mốc. Các lồng cá được vệ sinh lưới thường xuyên 1 lần/tháng. Như vậy, đảm bảo môi trường sống và chế độ dinh dưỡng cho cá phát triển tốt, hạn chế được tối đa rủi ro không đáng có”.

Trước khi xuất bán, nguồn thức ăn và cá thương phẩm được lấy mẫu gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để test chất lượng, nếu đạt yêu cầu về các chỉ số được chuyển về kho trung chuyển tại trụ sở công ty. Để an toàn trong khi vận chuyển, tránh tình trạng cá chết dọc đường, số cá đạt tiêu chuẩn xuất bán sẽ cho nhịn ăn từ 3 - 5 ngày rồi xuất ra thị trường. Địa phương thu mua sản phẩm của công ty chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam... Giá bán lẻ dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, bán buôn từ 120.000 - 210.000 đồng/kg. Sản phẩm được bán chủ yếu cho các nhà hàng, nhất là các nhà hàng chuyên về đặc sản cá, các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Nhờ đó, mỗi năm công ty xuất bán được khoảng 300 tấn, thu lãi từ 1 - 2 tỷ đồng/năm.

Dự kiến đến năm 2022, anh Toản gia tăng số lượng lồng lên 250 lồng, trong năm 2020 phấn đấu đưa sản phẩm cá lồng của công ty trở thành sản phẩm OCOP, đặc trưng của địa phương. Đồng thời, mở thêm kho trung chuyển trên địa bàn Hà Nội để giới thiệu đến các thị trường trên toàn quốc.

Theo : https://tepbac.com/tin-tuc/full/bi-quyet-nuoi-ca-long-dat-chuan-vietgap-32158.html
Tags